Kỳ trước:

Người đời thường nói một câu như thế này: “Tiên định tử, hậu định sinh”, nghĩa là một người chết như thế nào và chết vào lúc nào đã được định sẵn ngay từ khi sinh ra rồi, không cần phải suy nghĩ nhiều, càng không cần phải quá lo lắng về nó. Nhưng có hai tình huống có thể cải biến thọ mệnh của một người: Một là người đó làm đủ mọi điều ác, hai là tích đức hành thiện. 

Người hành thiện đắc phúc báo, người hành ác nhận lấy tai họa. Từ xưa đến nay có vô số sự thật đã được kiểm chứng khiến con người phải nhìn nhận với một thái độ đúng đắn. Thuận theo thiên lý hướng thiện sẽ xếp đặt vận mệnh tốt cho bản thân; sửa đổi sai sót, thành tâm hướng thiện cũng sẽ khiến cho vận mệnh chuyển biến thành tốt. Ví như Bùi Độ thời Đường xem tướng khi còn trẻ nói rằng ông ta sẽ chết vì đói, chỉ bởi làm việc thiện mà về sau vào triều làm Tể tướng. Đậu Vũ Quân thời Tống trong mệnh vốn không có con cháu nối dõi, nhưng vì quyên tặng tiền bạc mà về sau có năm người con đề tên lên bảng vàng. Viên Liễu Phàm thời Minh vì tu thân hành thiện mà đã kéo dài thọ mệnh, đắc nhiều phúc báo. Dưới đây xin viết ra vài mẩu chuyện được sử sách ghi chép lại.

Câu chuyện 11:Trả lại đai ngọc thay đổi vận mệnh, giữ chức quan to bốn triều vua

Bùi Độ, người triều Đường, thuở nhỏ sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, trên đường gặp một vị thiền sư Nhất Hạnh. Đại Sư nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng; ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết; vì vậy bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu khổ hạnh. 

Một tháng sau. Bùi Độ lại gặp vị thiền sư này. Cao tăng thấy ánh mắt anh trong sáng, thần thái đã khác hẳn, thì nói rằng, sau này anh nhất định sẽ đại phú đại quý.

Bùi Độ cảm thấy vô cùng khó hiểu: “Một tháng trước thầy nói rằng con sẽ bị chết đói ở đường phố, giờ đây lại nói là con sẽ đại phú đại quý, đó là nguyên do gì?”.

Thiền sư nói: “Sau khi ta đoán con sẽ chết đói ở đường phố, con đã làm một việc rất tốt, không chỉ tiêu trừ được ách vận, mà vận mệnh con cũng đã xuất hiện bước ngoặt”.

Thì ra một ngày nọ, Bùi Độ nhặt được một đai ngọc rất quý giá, Bùi Độ cứ đứng ở đó chờ người đánh mất, đợi một ngày một đêm. Những người khác đều nói: “Anh đã đợi lâu thế này rồi, cũng là chí nhân tận nghĩa rồi. Anh nghèo như thế này, cái đai ngọc này anh hãy giữ lấy đi”.

Bùi Độ vẫn khăng khăng đứng đó chờ người đánh mất. Sau đó cuối cùng cũng đã đợi được người đánh mất đến. Người mất đồ muốn dùng tiền tài để tạ ơn báo đáp anh nhưng anh khéo léo từ chối.

Đại Sư sau khi nghe kể, ông cười lớn và nói: “Tấm thân bảy thước chẳng bằng khuôn mặt bảy tấc; khuôn mặt bảy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc; cái mũi ba tấc chẳng bằng một khối tâm”. Thiền sư bèn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện. 

Quả nhiên Bùi Độ sau làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông, là “danh tướng toàn tài. Trong sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”, “uy danh đức độ của ông sánh với Quách Phần Dương. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lĩnh hơn người.

Câu chuyện 12: Hành ác giảm lộc, hướng thiện tiêu tai

Những năm Gia Tĩnh triều Minh, tại huyện Như Cao tỉnh Giang Tô có người tên Trần Quân, nhậm chức quan giáo dưỡng tại trường học huyện Vọng Giang, tỉnh An Huy (tức giáo thụ). Vào năm ông 39 tuổi, tối ngày 11 tháng 06 năm đó, trong giấc mơ ông đi tới miếu thờ Địa Tạng Vương bên ngoài cổng thành phía Nam huyện Như Cao, có một vị quan mặc áo đen, dẫn ông vào trong đại điện. Ông nhìn thấy trên điện khói hương nghi ngút, hành lang che mưa đứng đầy nha dịch, xếp hàng rất uy nghiêm.

Trần Quân phủ phục dưới thềm. Đột nhiên nghe thấy tiếng một vị bồ tát tuyên cáo rằng: “Đời ông cha nhà ngươi đều trung hậu, đặc biệt là mẫu thân ngươi trinh thiết trong sạch, hiếu thuận phụ mẫu, kính lễ Thần Phật. Do hành thiện như vậy nên Thần linh vốn định bảo hộ nhà ngươi có thể đỗ Cống sĩ trong khóa thi Minh Kinh; hơn nữa trong số mệnh ngươi còn có một lần đậu đầu bảng, nhưng do ngươi ngày thường làm nhiều việc ác, không hề hành thiện, sớm đã bị Thần linh tước bỏ ân huệ. Sau khi qua 40 tuổi, ngươi sẽ dần dần phải gánh chịu báo ứng cho những tội ác mà ngươi gây nên. Điều không thể tha thứ nhất là: cách đây không lâu có người đưa cho ngươi một bộ sách hướng thiện, ngươi không những không tôn kính tin theo, mà còn giấu sách đi không chuyển cho người được tặng. Ngăn trở con đường anh ta hành thiện, tội này vô cùng nghiêm trọng. Ngươi sẽ phải chết thảm vào tháng 08, không thể miễn tội!”. 

Trần Quân vô cùng sợ hãi, choàng tỉnh giấc. Nhớ lại năm ngoái y tham gia ứng thí cuộc thi hương tại Kim Lăng, có con trai của Hoàng Vinh Tăng, quan giáo dưỡng huyện Tuyên Thành tỉnh An Huy từng đưa cho ông một bộ sách hướng thiện, nhờ ông chuyển cho hai thí sinh ở cùng phòng. Do thời gian thi cử bận rộn, gấp rút, nên ông không kịp đưa lại, mà mang về huyện Vọng Giang để trong hòm sách. Ông đã quên chuyện này rất lâu rồi, giờ mới nhớ ra, nhưng đã không thể làm được gì khác. Nhưng câu chuyện trong mơ hư hư thực thực, ông không dám tin chắc, trong lòng bán tín bán nghi. Sáng sớm ngày 16 tháng 08 đột nhiên chân tay Trần Quân lạnh ngắt, tinh thần hỗn hoạn, mồ hôi đổ như mưa, trong lần hôn mê cuối cùng, ông cũng đã tin giấc mơ ngày trước không phải là giả.

Trần Quân chuyển niệm nghĩ rằng: “Tội ác của mình tuy nặng, hối cải cũng có thể miễn tai họa”. Vừa nghĩ như vậy, trong lòng ông thấy vô cùng tỉnh táo. Nên ông nghiêm túc cầm bút viết một hơi những đoạn tản văn, đau khổ tự trách bản thân, thề rằng sẽ sửa chữa những lỗi lầm trước kia; và thề nguyện sẽ chuyển lại cuốn sách hướng thiện về nhân quả báo ứng, xin các vị Thần linh minh xét. 

Ngay đêm đó, ông liền mơ thấy một vị thần dẫn ông tới trước một cung điện lớn. Những vị Thần linh đợi ngoài cửa bước vào, dường như thay ông biểu đạt sự ăn năn, hối lỗi, một lúc sau các vị thần ra ngoài, cho phép ông ra về, ông dường như được thoát khỏi tội chết vậy và dặn dò ông rằng: “Phải kiên định thực hiện lời nguyện ước, thận trọng hành sự, không được trễ nải, lơ là!”.

Sáng sớm hôm sau Trần Quân tỉnh giấc, tinh thần đột nhiên sảng khoái, cơ thể bệnh tật dần dần hồi phục. Từ đó về sau ông khuyên mọi người xung quanh nên hành thiện, cố gắng hết sức phổ truyền sách hướng thiện và kể về nguyên lý nhân quả báo ứng.

Câu chuyện 13: Cứu người nguy nan thay đổi vận mệnh, trường thọ đông con cháu

Xưa ở tỉnh An Huy, Trung Quốc có một thương nhân tên Vương Chí Nhân, đã ở tuổi tam tuần nhưng vẫn chưa có con. Một ngày nọ, một thầy tướng số nói với ông rằng: “Tháng Mười này ông sẽ gặp một tai họa lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông phải rất đề phòng mới mong tránh được nó!”. Ông Vương trước giờ luôn bội phục khả năng của vị thầy tướng số này nên ông tin ngay không chút nghi ngờ. Ông vội vã đi đến Tô Châu ngay lập tức, thu hồi hết mọi khoản đầu tư buôn bán và thuê một căn nhà ở Tô Châu để sống tạm nhằm tránh tai ương, theo như lời mách bảo của thầy tướng số.

Một đêm nọ, ông Vương ra ngoài đi dạo và bắt gặp một phụ nữ nhảy xuống sông tự tử. Thất kinh trước cảnh tượng này và vì muốn cứu người phụ nữ đó, trong lúc cấp bách ông đã lấy ra 10 lạng bạc giơ lên cao khỏi đầu và hô lớn để những người trên thuyền bên kia sông nghe thấy: “Có một phụ nữ bị ngã xuống nước ở đằng kia, ai cứu được cô ấy sẽ được thưởng 10 lạng bạc!”. Sau khi các chủ thuyền nghe thấy, tất cả họ bèn nhanh chóng chèo ra sông để cứu người phụ nữ.

Cùng lúc có 2 chiếc thuyền đến vớt và đưa người phụ nữ lên bờ. Rất may là cô đã được cứu kịp thời nên đã sống sót. Ông Vương là người hào phóng nên đã giữ lời hứa, lấy ra 10 lạng bạc chia ra cho 2 chủ thuyền.

Khi người phụ nữ đã hồi tỉnh rồi, ông Vương vẫn còn rất bồn chồn. Ông hỏi: “Mạn phép xin hỏi là sự tình bức bách nào đã khiến cô phải tìm đến cái chết vậy?!”. Người phụ nữ trả lời trong nước mắt: “Chồng tôi làm thuê cho một người nhưng họ đang túng thiếu nên đã trả công cho chồng tôi bằng một con heo. Hôm qua trong lúc chồng tôi đi vắng, một người ở vùng khác đã đến làng của tôi tìm mua heo. Tôi đã bán con heo đổi lấy 10 lạng bạc. Tôi thấy rất vui và nghĩ rằng mình đã bán được giá hời. Sau đó một người họ hàng đến chơi nhà và phát hiện ra số bạc ấy là giả! Tôi sợ rằng mình sẽ bị chồng trách móc khi chàng trở về, và cảm thấy cuộc sống khổ cực này thật vô nghĩa nên tôi đã nghĩ đến việc tự tử để kết thúc nó đi!”.

Sau khi nghe chuyện, ông Vương vô cùng thương cảm, không ngần ngại lấy ra đủ số tiền bằng với giá bán của con heo và trao cho người phụ nữ. Ông khuyên cô hãy quay về nhà và hãy sống thật tốt. Người phụ nữ mang số bạc ấy về kể lại toàn bộ câu chuyện cho chồng nghe nhưng anh ta không tin. Hai vợ chồng vội đi đến chỗ ở của ông Vương để xác nhận sự việc.

Ông Vương vừa mới thiu thiu ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa và một giọng phụ nữ cất lên: “Tôi là người ngã xuống nước và được ông cứu mạng. Tôi quay lại để cảm ơn ông, ông Vương ạ! Xin hãy mở cửa!”. Nghe thấy thế, ông Vương nghiêm giọng trả lời: “Nàng là phụ nữ đã có chồng, còn tôi là lữ khách đang ở một mình. Nam nữ thụ thụ bất thân. Huống hồ chúng ta lại gặp gỡ lúc đêm khuya như vậy?!”. Mối nghi hoặc của người chồng liền tan biến khi nghe điều đó. Anh ta cảm động sâu sắc và lên tiếng: “Thưa ngài, ngài đúng là một bậc chính nhân quân tử. Xin đừng hiểu lầm, hai vợ chồng chúng tôi cùng đến để cảm ơn sự hy sinh của ngài!”.

Ông Vương chợt hiểu ra mọi chuyện và nhanh chóng thay quần áo để ra tiếp khách. Ngay khi ông mở cửa thì bức tường phòng ngủ bất ngờ đổ sập xuống khiến chiếc giường vỡ nát! Cặp vợ chồng thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến cảnh tượng ấy, sau đó họ thành kính cám ơn lòng tốt của ông Vương.

Tháng Mười trôi qua, ông Vương trong tâm rất thoải mái vì ông biết mình đã thoát được kiếp nạn. Ông đến gặp lại vị thầy tướng số sau khi về nhà ở An Huy. Vị thầy tướng vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy ông và nói: “Vài tháng không gặp, mà sắc diện của ngài đã cải biến hoàn toàn. Ngài đã được hồi sinh; nét ‘âm đức’ đột nhiên xuất hiện khắp khuôn mặt. Tôi cho rằng nhất định ngài đã làm một việc đại từ bi là cứu mạng người. Với tướng mạo của ngài bây giờ, ngài sẽ đắc vô lượng phúc báo trong tương lai!”.

Thời gian sau đó, vợ của ông Vương đã sinh hạ cho ông 11 người con trai, mỗi người con đều rất đoan chính, biết quan tâm và lễ phép. Ông Vương cũng được hưởng thọ 96 tuổi, đồng thời ông luôn hạnh phúc và khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng nghiệp lực luân báo là có thật. Khi một nhân được gieo thì một quả sẽ được sinh ra. Việc ông Vương được Trời ban phúc vì lòng thương người và đạo đức của mình đã chứng minh điều này. Cũng giống như nông dân gieo hạt; gieo hạt đậu sẽ thu hoạch đậu, gieo hạt dưa sẽ thu hoạch dưa.

Theo Minh Huệ.net và Chánh Kiến
Vũ Dương tổng hợp